Menu

TỌA ĐÀM KHOA HỌC: “GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GDPT NĂM 2018 – BẮT ĐẦU TỪ LỚP 1”

Ngày 26/07/2019, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức tọa đàm khoa học: “Giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực và giải pháp thực hiện chương trình GDPT năm 2018 – Bắt đầu từ lớp 1”.

Tọa đàm nhằm tạo cơ hội trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn về quan điểm xây dựng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực thông qua một số chương trình cụ thể cấp Tiểu học ở các loại hình trường công lập, tư thục, quốc tế. Đồng thời đây cũng là diễn đàn cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở một số địa phương, đánh giá đúng những khó khăn và thuận lợi, tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan, từ đó đề xuất những giải pháp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - bắt đầu từ lớp 1.

Đến tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng – Phó Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới; TS. Huỳnh Công Minh – Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, Chủ tịch Hội đồng sáng lập EMASI; TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Hiệu trưởng trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan và đại diện đến từ các sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành như Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…. Về phía Nhà trường có PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Tiến Công – Trưởng phòng KHCN&MT-TCKH; Th.S Lê Phan Quốc – Phó trưởng phòng Đào tạo; TS. Dương Minh Thành – Trưởng khoa Giáo dục tiểu học cùng với các giảng viên, sinh viên ngành Giáo dục tiểu học.

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực thông qua một số mô hình, chương trình giáo dục được xã hội đánh giá cao như giáo dục khai phóng của EMASI, giáo dục của Phần Lan,…Từ đó, đánh giá được những thuận lợi, khó khăn của các cơ sở giáo dục phổ thông, của trường đại học sư phạm; cũng như trao đổi các kinh nghiệm của những lần cải cách, đổi mới trước và phân tích, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong lần đổi mới này.