Ngày 04/12/2024, Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà hát kịch TP.HCM tổ chức công diễn vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” (tác giả Khánh Hoàng, Đạo diễn Hoàng Tấn).
Đây là suất diễn nằm trong chương trình phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trên địa bàn TPHCM. Tác phẩm đã được Giải A “Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật, Báo chí - Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự chương trình có đồng chí Đặng Thùy Khánh Vân - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên Giáo Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TPHCM; đồng chí Nguyễn Thị Yến Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Trường; đồng chí Huỳnh Văn Sơn, UVBTV Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; Nguyễn Ngọc Trung, UVBTV, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường; Cùng với đó là sự có mặt của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Trường, cấp ủy các chi bộ, các đồng chí đảng viên, viên chức và học sinh, sinh viên toàn Trường.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Trường và đồng chí Huỳnh Văn Sơn, UVBTV Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường
trao hoa và Thư cảm ơn cho đại diện Nhà hát Kịch TPHCM
Vở kịch ca ngợi tấm lòng yêu thương, sự kính trọng của quân dân miền Nam đối với Bác, được thể hiện bằng tình yêu nước, yêu quê hương mãnh liệt, bằng tinh thần quyết tâm đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng, dù có phải hy sinh cũng là niềm vinh dự, tự hào vì lý tưởng cao đẹp.
“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” kể về câu chuyện một đội du kích thiếu nhi với cuộc hành trình đi tìm bức chân dung Bác Hồ trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Vở kịch muốn gửi thông điệp cho mọi người phải biết trân trọng cuộc sống hòa bình, bởi để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay thì đã có biết bao người ngã xuống, hi sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc…
Phân cảnh trong vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung”
Không gian chính của vở kịch là khu rừng đước già, vùng trú ẩn an toàn của dân tản cư và là nơi che chở cho các đội du kích chiến đấu chống kẻ thù. Ngày nhận được tin Bác Hồ qua đời, người dân đã bí mật lập đền thờ Bác trong rừng. Đền thờ Bác được dựng bằng cây đước, lá dừa mộc mạc đơn sơ. Vì không có ảnh chân dung Bác Hồ nên mọi người đã dùng những thanh tre, gỗ nhỏ, ghép lại thành lá cờ có ngôi sao để tưởng nhớ Bác, thành kính làm lễ. Trong những người đến thắp hương tưởng niệm có đội du kích thiếu nhi gồm Non, Đạm, Liêm và bé Ba, là con của quân dân đang sống và chiến đấu trong các khu rừng đước. Qua lời kể của người lớn về Bác, 4 em nhỏ nảy ra ý tưởng đi tìm bức chân dung của Bác để khắc thành tượng thờ. Cuộc đi tìm bức chân dung Bác của các em gặp rất nhiều hiểm nguy, từ súng đạn bủa vây của kẻ thù, đến sự rình rập của các loài thú dữ rừng sâu. Các em đã gặp được ông Ba gác rừng, ông đã giúp thêm kiến thức để sống sót trong rừng hoang sơ, biết cách tránh bom mìn, cách ẩn nấp né tránh biệt kích...
Với nhiều tình tiết hấp dẫn, vở kịch muốn gởi đến thông điệp rằng tất cả chúng ta cần biết trân trọng cuộc sống hòa bình trong hiện tại. Bởi để có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Chính lẽ đó, chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bao tầng lớp anh hùng đi trước. Đồng thời, khắc ghi và tiếp nối truyền thống yêu nước, nghị lực phi thường, tinh thần đấu tranh dũng cảm của cha anh.
Thông qua vở diễn, không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, về tình cảm yêu thương của đồng bào dành cho Bác, mà còn truyền cảm hứng để mỗi đảng viên, viên chức, học sinh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt hơn nữa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đại biểu, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn viên
Tin bài: Phòng CTCT&HSSV