Menu

Hành trình về thăm quê Bác Tôn

 

"Về thăm quê Bác”

Ai đã từng một lần đến An Giang thì sẽ không thể quên được vẻ đẹp bình dị của miền sông nước cùng vẻ đẹp hồn hậu của người dân nơi đây. Miền đất đã sinh ra một người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, một nhân cách lớn của quê hương mà các đồng bào, đồng chí gọi hai tiếng thân thương và bình dị: Bác Tôn.

Nhân dịp kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/07/1929 – 28/07/2019), Công đoàn Phòng Công tác chính trị và Học sinh, sinh viên có chuyến về thăm Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ở Cù Lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt đầu hình thành từ tháng 12/1988, khi Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận ngôi nhà ở Ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, nơi Bác Tôn sinh sống vào thời niên thiếu là di tích lịch sử lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau đó chính quyền các cấp đã tiến hành tôn tạo, trùng tu, từ ngôi nhà di tích bình dị - nơi đã hun đúc hình thành nhân cách và lòng yêu nước của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trở thành Khu di tích lưu niệm danh nhân, là một trong những nơi gìn giữ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học của vùng đất An Giang.

Khu di tích có: Nhà trưng bày, nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm, nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, chiếc phi cơ chở Bác vào Sài Gòn để làm lễ mít tinh giải phóng miền Nam,….

Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng vào năm 1997, trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, với tổng diện tích hơn 1600m2. Kiểu dáng Đền rất gần gũi với truyền thống văn hóa Việt Nam. Phía chính điện được trang trí rất công phu, tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc theo lối giả cổ, mặt chữ được mạ vàng. Xung quanh đền được trang trí theo biểu tượng ngũ phúc (phúc – lộc – thọ - khang – ninh). Nổi bật là chính là bức tượng bán thân bằng đồng của Bác Tôn, nặng 310kg, phía sau tượng là hình ảnh mặt trống đồng Ngọc Lũ được chạm nổi toát lên vẻ trang nghiêm.

Tại đây, đoàn đã thành kính dâng hương lên Chủ tịch Tôn Đức Thắng và ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn, từ thời niên thiếu ở quê nhà Long Xuyên đến khi trở thành nguyên thủ Quốc gia, với hơn 100 hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá. Từ hình ảnh Bến đò Ô Môi nơi in dấu chân Bác Tôn mỗi ngày đến trường, đến khi Bác làm thợ tại xưởng Ba Son, hình ảnh Bác kéo cao lá cờ đỏ trên chiến hạm France ủng hộ nước Nga Xô Viết, đến khi Bác tham gia cách mạng, bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù và lưu đày tại nhà tù Côn Đảo…

Khu di tích lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử vào năm 1984 và di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Nơi đây không chỉ là điểm đến của du khách, mà còn là nơi để sinh hoạt văn hóa truyền thống, về nguồn, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước với bao thế hệ trẻ Việt Nam và là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong những ngày lễ lớn của đất nước

 

“Bác Tôn – niềm tự hào của giai cấp công nhân Việt Nam”

Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là hình mẫu phong phú, hoàn chỉnh về lối sống, lẽ sống, nhân cách, đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm, liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Không chỉ là người cộng sản kiên cường, mẫu mực, mà đối với tổ chức công đoàn Bác Tôn còn là người công nhân đầu tiên đặt nền mống thành lập Tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Bác Tôn đã tham gia thành lập Công Hội đỏ cách mạng bí mật (tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay), được thành lập ở Ba Son – Sài Gòn. Đây là Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu một thời kì mới trong lịch sử của giai cấp công nhân, chuyển từ giai đoạn đấu tranh tự phát sang giai đoạn tự giác, từng bước đưa giai cấp công nhân nước ta lên vũ đài chính trị và trở thành chính trị độc lập, mở đầu giai đoạn đấu tranh mới, giai đoạn đấu tranh có tổ chức.

Từ thực tiễn vận động thành lập và lãnh đạo Công Hội bí mật, Bác Tôn đã có những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển của Công đoàn Việt Nam, không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng phát triển đất nước. Bác Tôn đã góp phần quan trọng vào việc đặt cơ sở, nền móng cho dư luận, nghiệp vụ cho công tác công đoàn ngày nay: công tác tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động Công đoàn phải xuất phát từ tình hình cụ thể của phong trào công nhân, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng. Hoạt động công đoàn phải gắn chặt với việc thực hiện mục tiêu kinh tế với mục tiêu chính trị, phải kiên trì vận động, chú trọng công tác tuyên truyền vận động, tập hợp công nhân, lao động.

Bác Tôn, một nhà yêu nước vĩ đại, người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, mẫu mực, lãnh tụ kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Bác Tôn là tấm gương cho các lớp thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, và thế hệ giai cấp công nhân nói riêng noi theo.